Ngày 18/12/2020, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức Hội nghị giao ban báo chí định kỳ quý IV/2020 để thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh Bình Dương năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021. Với nỗ lực và quyết tâm cao của các sở, ngành, địa phương, sự phấn đấu của các doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển tích cực, đạt được kết quả đáng khích lệ.
Toàn cảnh Hội nghị giao ban báo chí định kỳ quý IV/2020 của UBND tỉnh Bình Dương, ngày 18/12/2020.
Tổng thu ngân sách đạt 59.700 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2019
UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 6,91% (kế hoạch tăng 8,6 - 8,8%) so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng thấp so với kế hoạch đề ra nhưng là mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 150 triệu đồng; cơ cấu kinh tế: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỉ trọng tương ứng là 66,94% - 21,98% - 3,15% - 7,93%
Trong tình hình các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trên thế giới bị đứt gãy, xáo trộn, sản xuất và thương mại toàn cầu gặp khó khăn nghiêm trọng, UBND tỉnh Bình Dương đã triển khai thực hiện quyết liệt các nội dung chỉ đạo của Trung ương, đồng thời, chỉ đạo, điều hành sâu sát và tích cực thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Chỉ số phát triển công nghiệp của tỉnh năm 2020 ước tăng 8,02% (năm 2019 tăng 9,86%, kế hoạch năm 2020 tăng 9,6%).
Hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn lớn do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng đã nhanh chóng được khôi phục, đạt mức tăng trưởng khá nhờ công tác phòng, chống dịch bệnh thành công. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 252.889 tỷ đồng, tăng 12,3%. Với các biện pháp điều hành tích cực của tỉnh, thị trường hàng hóa phong phú, ổn định, các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân luôn được đảm bảo. Giá cả hầu hết các nhóm hàng cơ bản ổn định, ước chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 3,21%. Tình hình xuất, nhập khẩu từ đầu năm gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng nhanh chóng được khôi phục và đạt mức tăng trưởng tích cực, thặng dư thương mại tiếp tục được duy trì.
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được các địa phương thực hiện tích cực, hạ tầng nông thôn được đầu tư mạnh mẽ, đời sống người dân vùng nông thôn được cải thiện; tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ trình công nhận 03 huyện: Phú Giáo, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đồng thời triển khai các chính sách miễn, giảm, giãn các chính sách thu thuế hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhưng tình hình thu ngân sách năm 2020 vẫn đạt kết quả tương đối khả quan. Kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 59.700 tỷ đồng, đạt 96% dự toán HĐND tỉnh, tăng 1% so với cùng kỳ. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 26.063 tỷ đồng, đạt 98% dự toán HĐND tỉnh. Trong năm, tỉnh đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế cho 3.096 đối tượng, với tổng số tiền là 2.184 tỷ đồng; cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên còn lại của năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính (dự kiến giảm chi 241 tỷ đồng).
Bình Dương đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Ảnh: Tỉnh ủy Bình Dương
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 133.568 tỷ đồng, tăng 11,6%. Đến ngày 15/11/2020, giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt 5.131 tỷ đồng, đạt 34,4% kế hoạch điều chỉnh năm 2020 và đạt 47,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Thu hút đầu tư trong nước được 70.051 tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2019); lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 48.456 doanh nghiệp đang ký kinh doanh, tổng vốn đăng ký 434.708 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài 01 tỷ 845 triệu đô la Mỹ (vượt 31,8% kế hoạch năm). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 3.928 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 35,4 tỷ đô la Mỹ.
Chú trọng an sinh xã hội
Trong năm 2020, lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được UBND tỉnh quan tâm nhiều hơn, các chỉ tiêu văn hóa - xã hội theo Nghị quyết của HĐND tỉnh hầu hết đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
Tỉnh đã huy động 616 tỷ đồng từ nhiều nguồn lực thực hiện chu đáo công tác an sinh, phúc lợi xã hội, các chế độ, chính sách cho người có công, đối tượng xã hội, người nghèo và công nhân lao động. Đặc biệt, để giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỉnh đã chi gần 85 tỷ đồng hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định của Chính phủ; kịp thời hướng dẫn các doanh nghiệp, người sử dụng lao động giải quyết, hỗ trợ cho lao động mất việc và vay vốn để trả lương người lao động phải ngừng việc giúp ổn định cuộc sống. Hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động đáp ứng cơ bản nhu cầu của thị trường lao động. So với cùng kỳ năm 2019 đã tạo việc làm tăng thêm cho 45.300 người (đạt 100,7% kế hoạch).
Các chính sách đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo được thực hiện đồng bộ ở các địa phương; các tiêu chí xác định hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều của tỉnh được cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tế và phản ánh được thực trạng, mức sống của người dân.
Hàng ngàn căn nhà ở giá rẻ được xây dựng để người lao động an cư. Ảnh: Tỉnh ủy Bình Dương
Mặc dù trong năm, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài nhưng chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều thành tích nổi bật. Kết quả học sinh giỏi quốc gia năm 2020 của tỉnh được nâng lên cả về số lượng lẫn chất lượng với 34 giải (tăng 05 giải so với năm 2019); tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2020 đạt 99,7%.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác y tế dự phòng tiếp tục được quan tâm, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 82%.
Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định. Hoàn thành 100 % chỉ tiêu gọi công dân nhập ngũ năm 2020. Tăng cường quản lý cư trú, rà soát người nước ngoài, công dân Việt Nam nhập cảnh.
Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới là mục tiểu của tỉnh Bình Dương trong năm tới.
Theo đó, phát huy kết quả đạt được, năm 2021, UBND tỉnh xác định 33 chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, phấn đấu Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8,5 đến 8,7% so với năm 2020. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2% so với năm 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16%, kim ngạch xuất khẩu tăng 12% so với năm 2020. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 58.700 tỷ đồng; tổng chi cân đối ngân sách địa phương 22.530 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chú trọng phát huy hiệu quả các nguồn vốn trong nước, đồng thời thu hút có chọn lọc các nguồn lực đầu tư từ nước ngoài, nhất là dòng chuyển dịch vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; quan tâm chỉ đạo, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 150 ngàn tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2020, chiếm 34,7% GRDP năm 2021. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 1,8 tỷ đô la Mỹ.
Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, hạ tầng giao thông gắn với xây dựng thành phố thông minh; Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế…